90 giây thoát chết nhờ 5 thập kỷ luyện tập kỷ luật

90 giây

Thằng nhóc 5 tuổi khiến cả nhà tôi hoảng hốt khi thông báo: trường có kẻ xấu đột nhập và cô giáo phải dẫn tụi nhỏ đi trốn.

Hóa ra đấy chỉ là buổi diễn tập thường kỳ ở trường nhằm đối phó các tình huống bị tấn công.

Hôm đó là ngày học ngay trước kỳ nghỉ Giáng sinh, và tôi quá bận rộn nên chưa kịp kiểm tra email thông báo của trường. Thằng bé kể chuyện rất sinh động, với đầy đủ diễn biến và những mật hiệu trao đổi giữa cô trò, nhưng lại cung cấp thiếu thông tin, khiến chúng tôi hiểu nhầm.

Từ đầu năm học, bọn trẻ ở đây đã được thực tập ứng phó với báo động cháy. Dự kiến trong học kỳ tới, chúng sẽ học cách đối phó với động đất và sóng thần cũng như với các vụ xâm nhập trường học lần nữa. Năm nào cũng vậy, các buổi tập luyện báo động giả như thế vẫn thường xuyên diễn ra với học sinh từ lớp mầm non nhỏ nhất đến các cơ quan công sở ở Pháp.

Cũng trong tuần đó, tòa nhà trong khu trường tôi giảng dạy báo động cháy. Dù biết trước là diễn tập, toàn bộ nhân viên tòa nhà tuyệt đối tuân thủ, rời khỏi bàn làm việc, theo hướng dẫn sơ tán. Tôi cầm chiếc điện thoại, theo thang bộ chạy xuống phía ngoài sân lớn. Trong chưa đầy một phút, chúng tôi đã ra đến điểm tập kết. Dưới sân, một nhóm nhân viên an ninh tiến hành đo và ghi chép các mốc thời gian, một nhóm khác kiểm tra bên trong các tòa nhà. Vài phút sau đó, chúng tôi trở lại công việc. Một năm tòa nhà có vài lần diễn tập như vậy.

Từng sống qua nhiều quốc gia, tôi thấy những cuộc diễn tập ứng phó như vậy rất được chính quyền chú trọng và nhận được sự hợp tác, tuân thủ nghiêm túc của công dân.

Ở Nhật – nơi tập trung hơn 20% các trận động đất lớn của thế giới – theo tôi biết, từ trẻ em chập chững biết đi cho đến người già cả đều phải diễn tập ứng phó với động đất thường xuyên.

90 giây
Hành khách chạy thoát khỏi máy bay JAL gặp tai nạn, tại sân bay Haneda, ngày 2/1. Ảnh: Kyodo

Những ngày qua, chỉ vừa sang năm mới được hai hôm, Nhật Bản đã phải hứng chịu trận động đất lớn cùng hơn 150 cơn dư chấn. Cách ứng phó thuần thục của người Nhật trước động đất đã khiến thế giới khâm phục nhiều năm qua. Nhưng năm nay, họa vô đơn chí, tai nạn trên đường băng sân bay Haneda (Tokyo) là một sự cố hy hữu, có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc hơn về nhân mạng. Tuy nhiên, chỉ trong 90 giây – khoảng thời gian máy bay bắt đầu bốc cháy và gần như bị thiêu rụi – toàn bộ 379 người trên máy bay dân dụng được giải cứu thành công.

Đó là một kỳ tích. Các chuyên gia hàng không đã phân tích kỹ về những nguyên nhân giúp giảm thiểu thiệt hại; trong đó có yếu tố quan trọng liên quan đến kỹ năng thoát hiểm và kỷ luật tuân thủ trong tình huống khẩn cấp – điều được rèn giũa từ những bài học tưởng như rất nhàm chán.

Tại sao một người phải làm tới làm lui các bài tập ứng phó sự cố, từ năm này qua năm khác?

Theo các tổ chức cứu hộ chuyên nghiệp, ví dụ cơ quan cứu hộ Hoàng gia Australia, dựa cả trên các nghiên cứu khoa học về tâm lý và hành vi con người, bốn nguyên tắc cơ bản cần được tôn trọng trong các cuộc giải cứu.

Nhận thức (Awareness) về tình trạng nguy hiểm, khẩn cấp của những người liên quan là yếu tố quan trọng bậc nhất. Nhận thức đi kèm với việc mỗi người ý thức trách nhiệm của mình trong sự việc. Nguyên tắc thứ hai liên quan đến việc đánh giá, xếp loại (Assessment) tất cả yếu tố dẫn đến nguy hiểm như địa hình, thời tiết, vật cản, các vật liệu nguy hiểm…

Nguyên tắc thứ ba là sự hành động (Action) để giải cứu, bắt đầu từ xây dựng và triển khai kế hoạch. Khâu xây dựng kế hoạch và triển khai hành động đòi hỏi thời gian chuẩn bị và tập luyện. Vì vậy, các đội cứu hộ luôn có sẵn một “thư viện” kế hoạch và cách thức triển khai để luyện tập từ trước, sẵn sàng sử dụng ngay khi cần. Nguyên tắc thứ tư bàn về sự hỗ trợ sau giải cứu cho đến khi các lực lượng y tế chuyên trách có mặt (Aftercare).

Trong bốn nguyên tắc ấy, tất cả đều đòi hỏi sự phân định rạch ròi về vai trò của từng người và sự sử dụng các công thức để thực hiện từng hạng mục công việc. Trong thời gian cấp bách của công tác cứu hộ, những người liên quan sẽ không có nhiều thời gian để suy nghĩ hay mò mẫm về nhiệm vụ của mình hay quy trình tính toán xử lý rủi ro.

Chỉ có sự “thuộc lòng” mới giúp người ta giải quyết vấn đề nhanh chóng. Để có thể “thuộc lòng”, tất cả những người liên quan đến công tác cứu hộ phải được rèn luyện theo cách lặp lại rất nhiều lần và liên tục qua năm tháng. Vậy ai là những người liên quan?

Câu trả lời có thể được đưa ra ngay lập tức: là những người có quyền hành, là cơ quan chức năng. Câu trả lời này đúng nhưng chưa đủ. Tôi từng được người lớn dạy rằng “hãy tự cứu mình trước khi Trời cứu”. Sau này tôi thấy trong chừng mực nào đó, điều này rất đúng. Các nạn nhân là những người cần được cứu hộ. Tuy nhiên, xem “những nạn nhân” là những người liên quan đến công tác cứu hộ sẽ chính xác hơn.

Trong bước đầu tiên của nguyên tắc cứu hộ, trách nhiệm liên quan không chỉ là trách nhiệm thực hiện các thao tác nghiệp vụ mà còn là trách nhiệm tuân thủ mệnh lệnh của những người phụ trách. “Những nạn nhân” cần nhận thức rõ về mức độ nghiêm trọng của sự việc và trách nhiệm của mình theo hướng đã được chuẩn bị sẵn, cũng như được hướng dẫn bởi người phụ trách tại hiện trường.

Trở lại vụ tai nạn máy bay ở Haneda, nhân viên cứu hộ chuyên nghiệp hay phi hành đoàn không thể giải cứu được tất cả nếu từng hành khách không hoàn thành trách nhiệm của mình. Sự cố một lần nữa khẳng định tính kỷ luật của người Nhật (vì đây là chuyến bay nội địa), và sự kỷ luật chỉ đến từ trạng thái “thuộc bài”.

Nói cách khác, kỳ tích 90 giây không rơi từ trên trời xuống mà phần lớn là kết quả của một sự phản ứng nhanh nhạy nhờ việc được học và ôn luyện bài vở qua nhiều năm tháng từ tấm bé.

Vào ngày 12/8/1985, chuyến bay mang số hiệu 123 của hãng hàng không Japan Airlines đã gặp một tai nạn vô cùng thảm khốc. Được biết, chiếc máy bay Boeing 747SR này dự kiến sẽ có hành trình xuất phát từ sân bay Tokyo Haneda đến thành phố Osaka. Thời gian bay dự kiến ban đầu là 54 phút.

Quy tắc 90 giây là gì?

Đây được coi là yếu tố quan trọng nhất bạn cần nhớ để có thể sống sót. Khi máy bay gần rơi xuống nước hoặc đất, bạn có cơ hội để nhảy ra ngoài nhưng chỉ trong vòng 90 giây.
Nguyên nhân là bởi hầu hết hành khách đều thiệt mạng trong tai nạn vì lửa cháy của động cơ hỏng. Và theo tính toán, thời gian để ngọn lửa nuốt chửng mọi sự sống trên máy bay chỉ vỏn vẹn trong vòng một phút rưỡi mà thôi.

Nguyên tắc “cộng ba trừ tám”

Trong ngành hàng không, “cộng ba trừ tám” có nghĩa là ba phút sau khi cất cánh và tám phút trước khi hạ cánh. Theo các chuyên gia nghiên cứu máy bay, 80% các tai nạn (phát nổ trên không, gặp bão, rơi xuống biển…) xảy ra trong khoảng thời gian này. Ở giữa hai khoảng nói trên, tỷ lệ tai nạn giảm một cách đáng kể.
Chính vì vậy, đây là hai khoảng thời gian mà bạn cần lưu ý để hành động nếu có sự cố. Lời khuyên được đưa ra, đó là không được ngủ, giữ bình tĩnh, luôn đi giày, đảm bảo đai an toàn dễ tháo trong suốt thời gian nói trên. Nếu trải qua cả hai giai đoạn ấy, xin chúc mừng rằng bạn đã có một chuyến bay thành công.

Võ Nhật Vinh (vnexpress)

>