Arnaud Zein el Din, 44 tuổi, chưa bao giờ nghĩ chuyến du lịch đầu tiên đến Việt Nam sẽ khép lại theo một cách “điên rồ” đến vậy. Anh không ngờ hình ảnh mình và con ngựa vàng mã lại được lan truyền trên khắp mạng xã hội tại Việt Nam, biệt danh “ông Tây mua ngựa vàng mã” gắn với anh cũng trở thành một từ khóa nóng.
Vô tình nổi tiếng
“Ngay khi bước chân vào sân bay, tôi nhận ra ai cũng nhìn mình chằm chằm, nhưng không thể tưởng tượng câu chuyện lại gây xôn xao đến vậy”, Arnaud chia sẻ với Lao Động.
Khi du lịch Hà Nội, Arnaud tình cờ đi ngang qua một cửa hàng vàng mã ở huyện Đông Anh và nhìn thấy những con ngựa màu đỏ đẹp mắt. Anh trò chuyện với chủ quán và mua một con với giá khoảng 100.000 đồng vì ấn tượng với thiết kế và không biết ý nghĩa thực sự của nó.
Arnaud đơn giản chỉ thấy ngựa vàng mã của Việt Nam giống với piñata một khối hộp sặc sỡ thường có hình con ngựa hoặc kỳ lân, bên trong giấu kẹo, quà… cho trẻ em phương Tây đập vỡ vào dịp sinh nhật hay lễ hội. Ngựa vàng mã cũng khiến anh liên tưởng đến Alebrijes – những sinh vật huyền thoại trong văn hóa Mexico.
“Tôi chỉ muốn thêm con ngựa vào bộ sưu tập của mình và trưng bày ở nhà như một món quà lưu niệm đậm màu sắc văn hóa”, anh tâm sự. Nam du khách đến từ Mexico thực sự thất vọng khi không thể đem đồ vật đặc biệt này theo mình rời khỏi Việt Nam.
Bù lại nỗi thất vọng, Arnaud bất ngờ khi thấy những hình ảnh mình ôm con ngựa vàng mã thu hút hàng chục nghìn lượt yêu thích trên mạng xã hội. Phản ứng của cộng đồng mạng tại Việt Nam phần nào an ủi nam du khách, khi anh nhận đến hàng chục tin nhắn, bình luận từ người lạ.
Một số người hỏi han về câu chuyện, một số khác cảm ơn Arnaud vì yêu mến và tôn trọng văn hóa Việt Nam. Ấn tượng nhất có lẽ là những người sẵn sàng gửi tặng Arnaud một con ngựa vàng mã khác về tận nhà anh. “Điều đó thực sự khiến tôi cảm động”, anh bày tỏ.
Cuộc phiêu lưu ngẫu hứng
Ban đầu, Arnaud Zein-el-din chỉ dự định ghé thăm Việt Nam 10 ngày sau khi nghe một người bạn kể về chuyến du lịch của họ tại đất nước này nhiều năm trước: “Tôi đang rảnh rỗi, và ngày hôm sau đặt vé luôn. Tôi đến đây một mình, và muốn để bản thân tự cảm nhận, viết lách và ghi chép”.
Arnaud nói: “Tôi chỉ muốn ở Hà Nội và xem cuộc sống trong thành phố này thế nào. Tôi thực sự tận hưởng chuyến đi, và Hà Nội nhanh chóng trở thành điểm đến yêu thích của tôi”.
Chuyến đi của Arnaud kéo dài đến 3 tuần, với những chuỗi ngày lang thang khắp thành phố để cảm nhận đời sống địa phương. Không tìm kiếm một đích đến nào cụ thể, anh cứ lên đường với câu châm ngôn nổi tiếng từ đầu bếp huyền thoại Anthony Bourdain: “Hãy trở thành một người lữ hành, đừng làm khách du lịch”.
Quả thực, phương châm ấy mở ra vô số khoảnh khắc kỳ diệu trong hành trình của Arnaud tại Hà Nội. “Khi đang uống bia hơi trên một con phố sau buổi đi dạo trên cầu Long Biên, tôi bỗng nghe thấy tiếng nhạc. Lại gần, tôi phát hiện ra âm thanh đến từ một ngôi đền, bên trong có người”, anh kể.
Thấy bóng dáng vị khách nước ngoài, người dân mời Arnaud vào trong đền, nơi đang diễn ra nghi lễ hầu đồng. Một cô đồng vừa nhảy múa vừa phát tiền lộc cho mọi người, Arnaud cũng nhận một chút. “Thế là tôi ngồi đó, chăm chú theo dõi nghi lễ cùng những người lạ thân thiện và vui vẻ”, anh hồi tưởng.
Một khoảnh khắc “kỳ diệu” khác Arnaud không bao giờ quên là buổi “tắm tiên” ở sông Hồng. Có người kể về một bãi tắm bí mật giữa cầu Long Biên và cầu Chương Dương, điều đó thôi thúc nam du khách tự tìm đường đi bộ đến địa chỉ này.
Ngay khi vừa xuống khỏi cầu, bao quanh Arnaud là cây cỏ, những vườn chuối xanh tươi – không gian thiên nhiên khiến anh ấn tượng giữa thành phố nhộn nhịp. Đi thêm một quãng dưới trời nóng, cuối cùng Arnaud cũng tìm thấy “bãi biển” bí mật của người địa phương.
“Có vài người đàn ông đang tắm sông, một số không mảnh vải che thân, không khí vô cùng thân thiện. Tôi đã tắm tiên dưới sông, đó là một khoảnh khắc kỳ diệu”, anh kể. Tiếp đó, nam du khách ngồi xem người ta đá cầu mây, có người còn mời anh thử hút thuốc lào.
“Tất cả là một trải nghiệm tuyệt diệu và dễ chịu. Tôi cho rằng đó là điều chân thực nhất mình đã trải nghiệm trong chuyến đi này”, nam du khách cảm thán.
Không chỉ tiếp xúc với người địa phương, Arnaud còn rất “chịu khó” sưu tầm mọi vật dụng lạ mắt anh gặp trên đường. Từ chiếu tre, gối mây, chày và cối, cho đến điếu cày, cốc uống bia hơi… cho đến mũ cối, quạt, chổi tre… đều được Arnaud mua về để thêm vào bộ sưu tập kỷ vật từ những chuyến đi ở nhà riêng tại Mexico.
Arnaud vốn là một nghệ sĩ, kiến trúc sư và chủ một nhà hàng Thái Lan ở thành phố Mexico City. Anh còn xây dựng cả một website riêng để đăng tải những câu chuyện về các tác phẩm nghệ thuật, kiến trúc, hình ảnh thú vị trên đường du lịch.
“Tôi đặc biệt hứng thú với những thứ rất phổ biến được thiết kế cho cuộc sống thường ngày. Chúng mang nét đặc biệt tùy theo vùng miền, kỹ thuật chế tác”, anh nói.
Với Arnaud, chuyến du lịch đầu tiên tại Hà Nội để lại ấn tượng mạnh mẽ đến mức anh phải lên kế hoạch trở lại Việt Nam để khám phá những câu chuyện khác về nghề thủ công địa phương, tìm kiếm thêm các món đồ cho bộ sưu tập của mình.
“Chuyến đi này đã mở ra một cánh cửa mới. Chắc chắn tôi sẽ trở lại Việt Nam”, nam du khách khẳng định. “Tôi đã để lại một phần trái tim mình ở đó”.