Cứ vào dịp đầu tháng 3, các gia đình Việt đều chuẩn bị món bánh trôi, bánh chay vừa để cúng ông bà, tổ tiên, vừa để thưởng thức. Mặc dù vậy, không phải ai cũng biết rõ về nguồn gốc, ý nghĩa của ngày Tết Hàn thực xuất phát từ đâu và cần chuẩn bị những gì theo đúng phong tục cổ truyền. Hãy cùng Pinata Farm khám phá ngày này nhé!
Tết Hàn thực vào ngày nào?
Tết Hàn Thực là ngày Tết diễn ra vào ngày mồng 3 tháng 3 Âm lịch hàng năm. Theo nghĩa chữ Hán, “Hàn” là lạnh, “thực” là ăn, “Tết Hàn thực” là tết ăn đồ lạnh. Hàng năm, vào dịp này, các gia đình đều chuẩn bị những đĩa bánh trôi, bánh chay để thờ cúng Phật và cúng ông bà, tổ tiên.
Nguồn gốc, ý nghĩa Tết Hàn thực
Tết Hàn thực ra đời gắn liền với điển tích “Giới Tử Thôi chết cháy”. Câu chuyện diễn ra vào thời Xuân Thu, khi vua Tấn Văn Công của nước Tấn bỏ nước lưu vong giữa loạn lạc đã gặp được Giới Tử Thôi và được ông giúp đỡ giành lại ngôi vị. Song, sau khi đoạt lại ngôi báu, lúc phong thần cho những người có công, vua lại quên mất sự giúp đỡ của Giới Tử Thôi.
Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nên đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Về sau, khi vua Tấn Văn Công nhớ ra, cho người đi tìm Giới Tử Thôi nhưng ông nhất định không quay về lĩnh thưởng. Vua Tấn Văn Công vì muốn thúc ép Tử Thôi quay về nhưng không được nên ra lệnh đốt rừng. Tuy nhiên, hai mẹ con Giới Tử Thôi vẫn quyết tâm không quay về và chịu chết cháy.
Sau đó, nhà vua hối hận về quyết định của mình và cho lập miếu thờ. Vào ngày 3 tháng 3, ngày mà hai mẹ con Tử Thôi bị chết cháy thì cấm dùng lửa để nấu ăn, thậm chí cơm cúng cũng phải làm từ hôm trước. Có lẽ vì vậy mà người ta gọi đây là ngày tết Hàn thực.
Ý nghĩa của ngày tết Hàn thực 3/3 Âm lịch
Dù có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng Tết Hàn thực của người Việt vẫn mang những sắc thái riêng, mang đậm chất Việt. Vào ngày mùng 3/3 âm lịch hằng năm, người dân đều ăn đồ nấu chín để nguội với tấm lòng thành kính nhất nhằm tưởng nhớ đến công ơn dưỡng dục của những người đã khuất.
Khác với Tết Hàn thực ở Trung Quốc, vào ngày này người Việt không kiêng lửa, vẫn nấu nướng bình thường. Điều đặc biệt, người Việt còn sáng tạo nên bánh trôi, bánh chay với ý nghĩa tượng trưng đó là những thức ăn nguội – hàn thực.
Tết Hàn thực của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những người đã khuất. Chẳng hạn người Việt có lệ dâng bánh trôi lễ Hai Bà Trưng vào ngày mùng 6/3 ở Hà Tây xưa (nay là thuộc Hà Nội). Tiếp đó, ngày giỗ tổ Hùng vương mùng 10/3 người Việt từ khắp mọi miền tổ quốc về đền Hùng, Phú Thọ thắp hương và dâng cúng những đĩa bánh trôi bánh chay, tưởng nhớ cội nguồn… Như thế, rõ ràng tết Hàn thực của ta mang màu sắc dân tộc riêng, trường tồn trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Bánh trôi bánh chay là đặc trưng của ngày lễ này. Từ xa xưa bánh trôi bánh chay đã đi vào thơ ca dân tộc như những món ăn đặc trưng phổ biến của người Việt. Như bài thơ của Hồ Xuân Hương:
Bánh Trôi nước
Thân em thời trắng phận em tròn
Bảy nổi ba chìm mấy nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Nhưng em vẫn giữ tấm lòng son
Tục lệ Tết Hàn thực ở Việt Nam
Tục ăn bánh trôi, bánh chay
Bánh trôi, bánh chay là món ăn đặc trưng của người Việt Nam ta vào mỗi dịp Tết Hàn thực, cũng từ đó bánh trôi còn được biết đến với cái tên “bánh Hàn thực”.
Tục lệ ăn bánh trôi, bánh chay vào tết Hàn thực ở Việt Nam được nhà nghiên cứu Trần Quang Dực cho là bắt đầu từ giai đoạn nhà Lê Trung Hưng (1533 – 1789). Trong các ghi chép về văn hóa dân gian, Lê Quý Đôn cũng viết rằng “Tục nước ta trọng nhất bánh trôi nước, mỗi năm cứ ngày mồng 3 tháng 3 thì làm bánh ấy.” đã chứng tỏ phần nào sự lâu đời của tục ăn bánh trôi, bánh chay ở nước ta.
Hai loại bánh được làm từ bột gạo được ông bà ta chế biến mang đậm văn hóa của nền văn minh lúa nước. Hình ảnh, bánh trôi, bánh chay tròn, trắng xếp đầy cạnh nhau mang ý tưởng nhớ đến sự tích “mẹ Âu Cơ và bọc trăm trứng”.
Ý nghĩa của của bánh trôi – bánh chay trong ngày Tết Hàn thực
Bánh trôi, bánh chay đều được làm từ bột gạo nếp mang đậm ý nghĩa của văn hóa lúa nước Việt Nam tương tự như bánh chưng, bánh giầy.
Hình ảnh bánh trôi, bánh chay được nặn hình tròn thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Bánh trôi tượng trưng cho 50 người con theo mẹ Âu Cơ đi xuống biển, bánh chay lại thể hiện cho 50 nguồi còn theo cha Lạc Long Quân lên rừng xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc cho thế gian.
Tục ăn bánh cuốn
Tết Hàn thực cúng gì?
Vào ngày Tết Hàn thực 3/3 âm lịch hàng năm mỗi gia đình thường chuẩn bị những mâm lễ để cúng gia tiên, lễ Phật với các món chính gồm: Bánh trôi, bánh chay, trầu cau, nhang, hoa tươi và trái cây. Dân gian quan niệm số lẻ sẽ đem lại may mắn vậy nên lượng bánh trôi, bánh chay được cúng thường là 3 hoặc 5 bát bánh.
Tết Hàn thực khác gì tết Thanh minh?
Bởi có sự trùng hợp giữa Tết Hàn thực và Tết Thanh minh vậy nên rất nhiều người thường nhầm lẫn hai ngày lễ này là một. Tuy nhiên, chúng có ý nghĩa khác biệt hoàn toàn.
Vào Tết Hàn thực các gia đình sẽ chuẩn bị mâm cỗ dâng cúng ông bà tổ tiên, lễ Phật nhằm bày tỏ lòng thành và sự biết ơn, cùng nhau quây quần ăn bánh trôi, bánh chay cầu mong điềm lành đến với gia đình.
Mặt khác, Tết Thanh Minh là dịp để con cháu đến viếng, tảo mộ và chăm sóc, sửa sang mộ phần của ông bà tổ tiên để bày tỏ lòng tôn kính, nhớ thương người đã khuất. Bên cạnh đó, Tết Hàn thực diễn ra cố định mỗi năm vào ngày 3/3 âm lịch còn Tết Thanh minh không có ngày cố định mỗi năm mà chỉ rơi vào một ngày trong tháng 3 âm lịch.
Tết Hàn thực năm 2025 rơi vào ngày nào dương?
Tết Hàn Thực mùng 3 tháng 3 âm năm 2025 rơi vào ngày dương là Thứ Hai 31 tháng 3 năm 2025