Cách thức cúng ông Công ông Táo theo truyền thống Việt Nam

cúng ông công ông táo

Lễ cúng ông Công ông Táo được tiến hành từ ngày 17 đến ngày 23 tháng Chạp, lễ vật tùy từng gia đình nhưng phải có 3 bộ mũ áo, hài và cá chép.

Nguồn gốc lễ cúng ông Công, ông Táo

Lễ cúng Táo quân gắn với sự tích ông Táo với nhiều dị bản. Các thư tịch cổ liên quan đều cho rằng tập quán này có nguồn từ tục thờ “Ngũ tự”, để trả công cho 5 vị thần trong gia đình: thần Cổng (Môn thần), thần Cửa (Hộ thần), thần Cửa sổ (Trung lưu thần), thần Bếp (Táo thần) và thần Đường đi trong nhà (Hành thần).

Lại có thuyết khác nói “Ngũ tự” gồm 5 vị: thần Bếp (Táo thần), thần Giếng (Tĩnh thần), thần Cửa (Môn thần), thần Nhà (Hộ thần), thần Cửa sổ (Trung lưu thần) hoặc 5 vị: thần Bếp (Táo thần), thần Đất (Thổ công), tổ nghề (Tiên sư), thần cửa (Môn gia hộ úy), thần bảo hộ sức khỏe con người và vật nuôi (nhân súc Y thần)…

Trong 5 vị gia thần, Táo quân, Thổ địa và Môn thần được thờ cúng phổ biến nhất. Táo quân được coi là vị thần chủ về phúc đức trong gia đình với tên gọi đầy đủ là “Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân”.

cúng ông công ông táo
Bàn thờ cúng ông Công ông Táo 23 tháng Chạp

Trong “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” của Nguyễn Đổng Chi, sự tích ba ông đầu rau nói về nguồn gốc “vua bếp hai ông một bà” gồm người vợ là Thị Nhi (Nhi nghĩa là nhừ, chín nhừ), người chồng trước là Trọng Cao (Cao nghĩa là tinh bột, ám chỉ gạo) và người chồng sau là Phạm Lang (Lang còn có âm đọc là Canh – món canh).

Khi “cơm không lành, canh không ngọt”, cả ba người gặp bi kịch mà phải chịu thân phận đen đủi, lem luốc của ba ông đầu rau. Họ hóa thân cho bếp lửa gia đình luôn ấm cúng. Có lẽ từ ý nghĩa này mà dân gian gọi Táo quân là vị thần định phúc, quản về nhân sự trong gia đình.

Từ đó, hàng năm vào ngày 23 tháng Chạp, các gia đình làm lễ tiễn Táo quân về chầu Ngọc hoàng, gọi là Tết Táo quân. Lâu dần có nơi tổ chức lễ cúng Táo quân vào ba ngày khác nhau. Vua quan cúng ngày 23, thứ dân cúng ngày 24 và những người làm nghề chài lưới, ngư dân cúng vào ngày 25. Gần đây có thể cúng Táo quân từ ngày 17 đến ngày 23 tháng Chạp.

Cúng ông Công ông Táo cần chuẩn bị những gì?

Lễ vật cúng

Lễ vật cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp theo truyền thống sẽ bao gồm:

– Ba bộ áo, mũ, hia giấy: Hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Nhiều người chỉ cúng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) để tượng trưng.

– Cá chép: Tượng trưng cho phương tiện di chuyển của ông Công, ông Táo. Bạn có thể sử dụng cá chép giấy hoặc cá chép thật đều được.

Thường ở miền Bắc, các gia đình cũng mua thêm 3 con cá chép, cá vàng sống (hoặc cá giấy – sau lễ đốt cùng vàng mã) thả vào chậu nước đặt cạnh mâm cỗ. Sau khi làm lễ thì đem ra sông thả. Ngoài ra, hình tượng cá chép cũng truyền tải khát vọng “cá chép hóa rồng” ngụ ý thăng hoa, tinh thần bền lòng chinh phục tri thức và sự thành công.

Ngoài ra còn có 1 tập giấy tiền vàng mã, 1 lọ hoa cúc, 1 lọ hoa đào nhỏ, trái cây tươi, trà, rượu, cau trầu,…

Ở một số địa phương khu vực Bắc Trung bộ như Thọ Xuân, Cẩm Thủy (Thanh Hóa), lễ vật cúng Táo quân không dùng canh, vì ba ông Táo (ba ông đầu rau) được đắp bằng đất sét, cúng canh sợ làm Táo quân bị “thũng” chân. Chuyện dân gian ở đây kể rằng, xưa có gia đình do lười biếng nên nghèo khổ, quanh năm chẳng có gì ăn, cuối năm cũng không có gì cúng Táo quân. Ngày 23 tháng Chạp, chủ nhà sang hàng xóm xin nước luộc chân giò về cúng Táo quân khiến ông bị sũng nước (phù thũng), bởi vậy nhân dân một số xã trong vùng kiêng bày canh trong mâm lễ.

Cúng Táo quân thời điểm nào?

Lễ cúng Táo quân đã được ấn định vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, không cần chọn giờ, chỉ cần cúng xong trước 23h là được.

Trường hợp gia chủ bận việc, có thể cúng trước ngày 23 tháng Chạp. Tùy điều kiện gia đình, bạn có thể cúng ông Công ông Táo trước từ 1 ngày – 1 tuần, nhưng tốt nhất là trong khoảng thời gian từ 20-23 tháng Chạp.

Cúng Táo quân gia chủ nên tự khấn vì ông Táo là thần trong nhà, không cần sớ tấu. Văn khấn là lời tiễn biệt, tâm sự, mong muốn của gia chủ đối với Táo quân trước khi ngài lên đường về trời chầu Ngọc hoàng.

Các bước bao sái (tỉa nhang bát hương) trong ngày cúng ông Công ông Táo

Bao sái trước hay sau cúng ông Công ông Táo?

Tỉa chân nhang (hay bao sái) trước hay sau khi cúng ông Công ông Táo là câu hỏi mà nhiều người quan tâm. Thực tế có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Có người quan niệm rằng, nên tỉa chân nhang sau lễ cúng ông Công ông Táo, bởi lúc này họ đi vắng nên có thể tranh thủ dọn dẹp bàn thờ, tỉa chân nhang để khi đón trở về, khu vực thờ cúng đã được sạch sẽ.

Ngược lại, cũng có người quan niệm, nên bao sái ban thờ sạch sẽ, tỉa chân nhang gọn gàng xong mới cúng ông Công ông Táo.

Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà, việc bao sái ban thờ, rút tỉa chân nhang nên thực hiện sau khi đã hoàn thành lễ nghi cúng ông Công ông Táo. Nếu cúng vào buổi sáng thì chiều có thể tiến hành nghi lễ bao sái ban thờ.

Còn TS Vũ Thế Khanh thì không có một tài liệu nào ghi chép cụ thể cũng như quy định về việc nên bao sái ban thờ, rút tỉa chân nhang vào ngày nào để đón Tết. Ông cho rằng, khi nào thấy bàn thờ chưa được trang nghiêm thanh tịnh thì nên lau dọn ngay, hoặc đặt lịch định kỳ bao nhiêu ngày sẽ lau một lần, không nhất thiết cứ phải chờ đến Tết mới lau dọn.

4 bước bao sái tỉa chân nhang

Dưới đây là các bước bao sái trong ngày ngày ông Công ông Táo theo truyền thống:

Bước 1: Thắp 3 nén nhang, khấn xin gia thần và tiên tổ cho phép được rút tỉa chân nhang, chờ nhang cháy hết.

Bước 2: Bắt đầu tỉa chân nhang bằng cách một tay giữ bát nhang, một tay còn lại nhẹ nhàng rút từng chân nhang. Để lại 3 chân nhang trong bát nhang. Chân nhang rút ra ngoài để lên một tờ giấy hoặc một tấm vải sạch.

Bước 3: Dùng khăn sạch lau xung quanh bát nhang. Có thể nhúng khăn làm ẩm để lau sạch hơn. Sau khi lau xong bát nhang thì mới lau các đồ thờ khác. Nếu cẩn thận bạn có thể dùng rượu gừng hoặc nước ngũ vị hương để tẩy uế cho bát nhang và đồ thờ.

Bước 4: Mang chân nhang đã rút hóa thành tro, rồi đổ ra gốc cây. Tuyệt đối không đổ tro hóa chân nhang vào thùng rác hoặc các nơi ô uế.

Văn khấn bao sái tỉa chân nhang

Dưới đây là bài văn khấn tỉa chân nhang (bao sái) bàn thờ mà gia chủ có thể tham khảo:

Nam mô a di đà Phật! Nam mô a di đà Phật! Nam mô a di đà Phật!

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương

Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân

Tín chủ tên là: …

Cư ngụ tại địa chỉ: …

Hôm nay ngày … tháng … năm …, tín chủ con tự xét thấy bản thân mình chưa chu toàn nên để hương án có chút bụi bẩn, có chút chưa được thanh tịnh, xanh yên.

Tín chủ xin kính cáo với các chư Vị (tùy theo bàn thờ đó thờ thần linh, hộ pháp, hay gia tiên…), hôm nay xin cho phép tín chủ con được sái tịnh để cho bàn thờ được trang nghiêm thanh tịnh, kính mong các chư vị chứng minh và gia hộ.

Mong các vị tạm ẩn tạm lánh, độ cho cho con lau dọn được khang trang mỹ hảo, cho hương án được an chính vị, cho âm phần được an yên, cho gia cư được lạc thổ.

Chúng con người trần mắt thịt, tội lỗi đầy thân, chỉ biết kính cẩn tâm thành nếu có gì si mê lầm lỡ kính xin được tha thứ bỏ quá đại xá cho.