Thời phong kiến ở các nước phương Đông và cả ở các nước quân chủ phương Tây ngày nay, thường hay lấy ngày sinh nhật vua làm ngày Quốc khánh của quốc gia.
Sinh nhật vua đầu tiên của Việt Nam
Ở nước ta, lễ này có lẽ được tổ chức từ thời Tiền Lê. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” vào năm Thiên Phúc thứ 6 (985), tức sau khi vua Lê Hoàn lên ngôi 6 năm, mới đặt ra lệ này. Theo đó, ngày rằm tháng 7 là ngày sinh của vua, nên triều đình cho người làm thuyền ở giữa sông, lấy tre làm núi giả đặt trên thuyền, gọi là Nam Sơn, rồi bày lễ vui đua thuyền, về sau thành thường lệ.
Mỗi triều đều có tên gọi riêng cho sinh nhật vua
Vua Lê Ngọa Triều (Lê Long Đĩnh) sinh vào tháng 10, nên vào ngày sinh nhật của vua, các quan cũng cho lấy tre làm một ngọn núi nhỏ, ban yến cho các quan. Việc làm núi giả có ý nghĩa chúc vua sống lâu, có tuổi thọ như Nam Sơn.
Sang thời Lý Thái Tổ, lễ sinh nhật nhà vua bắt đầu được đặt tên, nhưng cũng mãi hơn 10 năm sau khi nhà vua lên ngôi, đến năm Thuận Thiên thứ 12 (1021), vào tháng 2, triều đình mới lấy ngày sinh nhật của vua làm tiết Thiên Thành, lấy tre kết làm một ngọn núi gọi là Vạn Thọ Nam Sơn ở ngoài cửa Quảng Phúc, trên núi làm nhiều hình chim bay thú chạy, muôn vẻ lạ kỳ. Ngoài ra, các quan còn sai người bắt chước tiếng của cầm thú làm vui để ban yến cho bề tôi.
Tuy nhiên, vào tháng 2 năm sau, vua Lý Thái Tổ thấy tiết Thiên Thành làm núi giả khó nhọc cho dân, nên đã cho bãi đi, chỉ đặt yến lễ mà thôi.
Các triều vua sau đó, lễ sinh nhật vua đều có tên gọi riêng, được quy định ngay sau khi vua lên ngôi, trong tên của ngày lễ đó có chữ “Thiên” nghĩa là trời, hay chữ “Thọ”, như sinh nhật vua Lý Thánh Tông gọi là tiết Thừa Thiên, sinh nhật vua Trần Thánh Tông là tiết Hưng Thiên, sinh nhật vua Lý Anh Tông gọi là tiết Thọ Ninh, còn sinh nhật vua Trần Nhân Tông là tiết Thọ Thiên.
Riêng sinh nhật vua Lý Cao Tông đặt là tiết Càn Hưng, với chữ Càn tức quẻ Càn, tượng trưng cho trời, cũng chỉ ngôi vua. Sinh nhật vua Trần Thái Tông cũng được đặt là tiết Càn Ninh.
Sau khi Lê Thái Tổ lên ngôi, ngày sinh của nhà vua (ngày 6 tháng 8 âm lịch) được quy định là Vạn Thọ thánh tiết. Ngày sinh của vua Lê Thái Tông được gọi là Kế Thiên thánh tiết, còn sinh nhật vua Lê Thánh Tông gọi là Sùng Thiên thánh tiết…
Sử triều Nguyễn ghi lại, cờ được treo vào các ngày đại lễ của đất nước, gồm tiết Vạn Thọ (ngày sinh nhật vua, được tổ chức long trọng như ngày “quốc khánh” của đất nước thời phong kiến), tiết Thánh Thọ (sinh nhật hoàng thái hậu), Tết Nguyên đán, Tết Đoan dương (mùng 5 tháng 5 âm lịch).
Vào các dịp Tiết Vạn Thọ, triều Nguyễn cũng ban yến cho các quan văn từ ngũ phẩm, võ từ tứ phẩm trở lên thì trước một ngày. Đúng ngày lễ, triều đình tổ chức múa bát dật (Nhạc 8 hàng, mỗi hàng 8 người) ở lầu Phu Văn, hay làm nhà dưới nước diễn các trò cho quan dân cùng xem. Các quan quân đánh dẹp ở bên ngoài dịp này cũng được ban thưởng.
Đến thời vua Khải Định, sau khi vị vua này lên ngôi năm 1916, quần thần đã xin lấy ngày sinh của vua (ngày 1 tháng 9) làm tiết Vạn Thọ khánh tiết, lấy đó làm lệ thường hàng năm. Tuy nhiên từ năm Khải Định thứ 3 (1918), triều Nguyễn bắt đầu tổ chức lễ kỷ niệm ngày chính thức thành lập triều đại, tương tự như lễ quốc khánh của các nước hiện nay.
Sách Đồng Khánh – Khải Định chính yếu (Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, Nguyễn Văn Nguyên dịch, NXB Thời đại, 2009), phần Khải Định chính yếu, sơ tập, quyển 1, chương Chính thống, viết: “Tháng 2/1918, chuẩn lấy ngày 2/5 (âm lịch) làm ngày lễ Kỷ niệm”.
Theo đó, vua Khải Định ban dụ rằng: “Các nước văn minh bên châu Âu rất coi trọng những ngày lễ Kỷ niệm, như nước Đại Pháp lấy ngày thành lập nền Cộng hòa làm ngày lễ Kỷ niệm Chính Trung (tức Quốc khánh Pháp 14/7).
Nước ta hồi năm ngoái cũng đã bàn định lấy ngày trẫm lên ngôi (ngày 17/4) làm ngày lễ Kỷ niệm…. Nhưng với triều ta thì năm Gia Long nguyên niên là năm khởi đầu tạo dựng thành công sau bao gian nan vất vả, lẽ nào nỡ bỏ qua để đi kỷ niệm ngày nào khác.
Vì thế, lấy ngày mùng 2 tháng 5, là ngày Thế tổ Cao Hoàng đế lên ngôi làm lễ Kỷ niệm. Tới ngày đó, trẫm sẽ thân hành dẫn Tôn nhơn phủ cùng đình thần văn võ ra Thế miếu kính cẩn hành lễ. Lễ xong, trẫm về cung thiết triều nghi bình thường tại điện Cần Chính để nhận chúc mừng.
Các cơ quan hữu ti phải soạn định ra nghi thức chi tiết để lấy đó thành lệ. Vào ngày hôm đó, tất cả quan lại, binh lính và dân chúng đều chuẩn cho được nghỉ ngơi vui chơi để cùng chia sẻ niềm vui”.
Mặc dù đã có lễ Khánh niệm Hưng quốc, nhưng sách báo sau này cho biết, trong thời vua Khải Định trị vì, ông đã tổ chức Lễ Tứ tuần đại khánh để mừng sinh nhật tuổi 40 của mình với quy mô to lớn và tốn kém bậc nhất, diễn ra trong suốt tháng 8 âm lịch năm 1925.
Lễ này còn được tổ chức sang thời vua Bảo Đại, cho đến trước Cách mạng tháng 8 năm 1945. Đọc tường thuật về lễ Khánh niệm Hưng quốc diễn ra năm 1935, dưới thời vua Bảo Đại, đăng trên Báo Tràng An, số ra ngày 4/6/1935, tường thuật lại như sau: “Trước dinh phủ Thừa có phát tiền cho những người nghèo khổ (30 đồng). Ở nhà thương cũng vậy (30 đồng).
Các tù nhân ở Hộ Thành, phủ Thừa và đồn Mang Cá được ăn uống sung sướng hơn ngày thường. Những cuộc vui có: Thi thuyền, bắt vịt, bắt heo, đánh đu, leo cột mỡ, thi đèn, đốt cây bông, rước đèn, chớp bóng giữa trời. Hoàng đế, quan Khâm sứ và các quan chức hai Chánh phủ có dự cuộc thi đèn tối hôm ấy”.
Theo văn bản của triều Nguyễn để lại, nghi thức buổi lễ này dưới thời vua Bảo Đại bao gồm: “Buổi mai làm lễ tại Thế miếu, thiết triều tại điện Cần Chánh, làm lễ Cầu hồn nhà thờ Phủ Cam, làm chay tại miếu Công thần; Buổi chiều có tổ chức các cuộc chơi trước Phu Văn lâu, phụng Hoàng thượng, Ngài Nam Phương Hoàng hậu ngự ra duyệt lãm, có mời quý Khâm sứ Đại thần và liệt quý quan ra xem cả”.